Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa: Tiên phong nghiên cứu, ứng dụng khoa học mới trong điều trị nghiện

9 August, 2022

http://m.giadinhvatreem.vn

Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa: Tiên phong nghiên cứu, ứng dụng khoa học mới trong điều trị nghiện

Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP. Hồ Chí Minh) là một cơ sở cai nghiện tự nguyện được thành lập từ năm 1999. Từ nhiều năm nay, Trung tâm đã mời nhiều nhà khoa học là giáo sư, tiến sĩ về y học, tâm lý, xã hội học tham gia Hội đồng khoa học, làm cố vấn. Trung tâm luôn cập nhật các tài liệu khoa học mới của Việt Nam và quốc tế để nghiên cứu, chọn lọc, áp dụng cho công tác cai nghiện phục hồi và xây dựng nhiều bộ tài liệu về y học trị liệu, tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, phòng chống tái nghiện, xử lý khủng hoảng đối với người nghiện ma túy...



Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa. Ảnh: T.Vân

Từng là một bác sĩ quân y, một sĩ quan an ninh trải nghiệm trên nhiều vị trí công tác khác nhau, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm đã nghiên cứu phác đồ điều trị và đã soạn thảo hàng ngàn trang tài liệu về cai nghiện - phục hồi, góp phần cùng trung ương và địa phương củng cố hệ thống lý luận cho công tác cai nghiện, để mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Dành hết tâm huyết cho công việc, Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy đã tạo dựng cho Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa ngày càng vững mạnh, một mái ấm thân thương với tất cả những ai lỡ sa ngã, lầm đường lạc lối.

Năm 2002, Trung tâm đã đưa phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp với thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau vào điều trị. Liều lượng thuốc Clonidine sử dụng giảm chỉ còn 1/3 so với liều điều trị cho phép, liều thuốc giảm lo âu, an thần, giảm đau sử dụng chỉ bằng 1/2 so với liều cho phép nên sử dụng hết sức an toàn. Phác đồ này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Nhưng tại Việt Nam chưa có trung tâm nào điều trị bằng thuốc này.

Năm 2009, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghị - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam vào thăm Trung tâm Thanh Đa và nhận thấy phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine có kết quả rất tốt. Hội chứng cai nhẹ, số hội chứng cai ít. Ông đã mời lãnh đạo Trung tâm ra Hà Nội báo cáo trước Hội đồng khoa học Bệnh viện Bạch Mai và Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế. Bộ Y tế đồng ý cho Viện Sức khỏe tâm thần thực hiện đề tài “Nghiên cứu áp dụng Clonidine trong điều trị cắt cơn nghiện các chất dạng thuốc phiện”. Viện Sức khỏe tâm thần sau đó đã mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác cai nghiện toàn quốc. Qua 15 năm điều trị, đã cắt cơn cho hơn 10.000 trường hợp, không có trường hợp nào xảy ra tai biến, hội chứng cai nhẹ.



Các học viên học nghề tại Trung tâm. Ảnh Trung tâm cung cấp.


Vào những năm 2004, Trung tâm bắt đầu nhận những học viên nghiện ma túy tổng hợp. Bác sĩ Duy cho biết, qua tài liệu của nhiều nước, Trung tâm đánh giá, ma túy loại này sẽ phát triển nhanh ở nước ta nên đã lập kế hoạch điều trị. Khi đó vẫn chưa có tài liệu trong nước về loại ma túy này, các y, bác sĩ Trung tâm phải trích dịch, nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu nước ngoài để áp dụng cho bệnh nhân.

“Ngày đó ít gặp trường hợp người nghiện ma túy tổng hợp bị bệnh tâm thần, nhưng càng ngày chúng tôi càng gặp nhiều bệnh nặng hơn. Bệnh nhân bị kích động, hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, tâm thần phân liệt…, có nhiều trường hợp chúng tôi bị đánh, bị đe dọa, nhưng nhờ thế, chúng tôi rút ra được những cách tự vệ, không còn lo ngại khi nhận những học viên nghiện ma túy tổng hợp. Từ năm 2004 đến nay, chúng tôi đã đã điều trị cho hơn 3.000 lượt học viên nghiện ma túy tổng hợp”, Giám đốc Trung tâm Thanh Đa cho biết.

Năm 2006, nhận thấy việc chống tái nghiện nhóm các chất dạng thuốc phiện bằng Naltrexone là phù hợp với điều kiện của học viên cai nghiện, Trung tâm Thanh Đa đã triển khai Khoa Chống tái nghiện. Bs Duy chia sẻ: Nhận thấy dù sử dụng thuốc Methadone hoặc Naltrexone cũng chỉ là những thuốc hỗ trợ chống tái nghiện, vấn đề chính là phải gọt giũa, điều chỉnh, phục hồi được nhận thức-hành vi-nhân cách, cũng như trang bị bản lĩnh và kỹ năng sống cho học viên, Trung tâm đã đưa công tác tư vấn, tâm lý, trị liệu, giáo dục trị liệu lên làm nòng cốt.  Khoa Chống tái nghiện có gần hơn 20 cử nhân xã hội học, tâm lý xã hội, trong đó có 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ.



Tại Trung tâm, người nghiện được bố trí sinh hoạt điều độ, ăn uống đúng giờ quy định.Ảnh Trung tâm cung cấp.


Kết quả điều trị rất đáng khích lệ, do khi uống thuốc Natrexone, học viên không còn thèm, nhớ và tìm kiếm heroin. Số học viên thành công cao, nhất là số học viên uống thuốc hơn 1 năm, 50% các học viênđiều trị ngoại trú đã có việc làm ổn định. Khoa Chống tái nghiện đã được nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến thăm và trao đổi kinh nghiệm điều trị.

Theo Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy: “Phải giành giật để cứu từng con người” (lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã trở thành mục tiêu, phương châm của Trung tâm trong việc điều trị cai nghiện ma túycho học viên. Gần 20 năm qua, hơn 18 ngàn lượt người đã được Trung tâm cai nghiện với chất lượng không ngừng được cải tiến và nâng cao, đưa họ trở về tái hòa nhập cộng đồng. Để đạt được kết quả như trên, Trung tâm không ngừng cải tiến phương pháp điều trị, giữ mối liên lạc với hàng ngàn học viên đã hồi gia và thân nhân của họ để nắm bắt thông tin, tư vấn, hỗ trợ.

Theo Bs Nguyễn Hữu Khánh Duy, để công tác cai nghiện đạt kết quả, trước hết, cần xem công tác tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu là chủ yếu - thuốc điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ. Đồng thời, điều trị tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp tâm lý - xã hội với công tác quản lý trên nền tảng cộng đồng trị liệu. Kết hợp chặt chẽ giữa Trung tâm-học viên và gia đình. Ngoài ra, cần sự quyết tâm cao của các cán bộ Trung tâm và sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức trong và ngoài nước.

Nhật Anh (GĐ&TE)