Nỗi lo chung sống cùng “ngáo đá”

9 August, 2022

Nỗi lo chung sống cùng "ngáo đá"

Thời gian qua, Công an TP HCM đã có nhiều kiến nghị đến các ngành chức năng xem xét những vướng mắc trong việc phát hiện và quản lý người nghiện để tìm ra giải pháp tháo gỡ

 

Ngày 12-3, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP HCM vẫn đang tiếp tục lấy lời khai Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) do có hành vi sát hại 4 người vào ngày 11-3.

Sử dụng ma túy đá gia tăng

Theo cơ quan công an, bước đầu Nam khai do bị ngăn cản tình cảm nên hắn mua ma túy tổng hợp về sử dụng rồi cầm dao đi giết 4 người để trả thù. Thời điểm bị bắt, Nam đang trong tình trạng "ngáo đá", đến trưa hôm sau vẫn chưa tỉnh táo để phục vụ điều tra.

Vụ án này và nhiều vụ án xảy ra trước đây có liên quan đến người sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp (MTTH) khiến người dân thực sự hoang mang, lo lắng. Điều đó cho thấy công tác quản lý, giám sát, điều trị đối với các đối tượng này của các ngành chức năng cũng như gia đình họ vẫn còn nhiều bất cập.

Nỗi lo chung sống cùng ngáo đá - Ảnh 1.

Ngôi nhà nơi gia đình Nguyễn Hoàng Nam sinh sống Ảnh: PHẠM DŨNG

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tình hình sử dụng MTTH tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỉ lệ sử dụng MTTH chiếm khoảng 60%-70% trong số người nghiện. Tại Hà Nội, Hải Phòng và TP HCM, 40% người nghiện heroin có sử dụng MTTH và số này có tỉ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng MTTH. Theo Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng MTTH chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỉ lệ 68,2%; ảo giác: 72,7%; trầm cảm: 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng MTTH.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiện gặp rất nhiều khó khăn do người nghiện và gia đình họ không tự khai báo và đăng ký cai nghiện; không hợp tác để tổ chức cai nghiện; trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ làm lĩnh vực này tại một số cơ sở còn yếu...

Vướng mắc trong quản lý người nghiện

Điều nguy hiểm nhất cho xã hội là khó phát hiện người đang dùng MTTH nên tội phạm có thể ngay bên cạnh chúng ta, những người mà ta không hề có ý thức đề phòng. Trong khi đó, chính sách tập trung cai nghiện hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Đ.T.H (một đồng đẳng viên), muốn đưa người đi cai nghiện bắt buộc (người không có nơi cư trú rõ ràng), cai nghiện tại cộng đồng (người có nơi cư trú) thì cơ quan có thẩm quyền cần xác định tình trạng nghiện. Đối với heroin, những biểu hiện nghiện heroin rõ ràng, diễn ra ngay trong lúc cơ quan chức năng tiến hành biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, người có nghi vấn sử dụng MTTH không có biểu hiện rõ ràng, phải đợi 1-2 ngày đối tượng mới bộc lộ triệu chứng nghiện (ảo giác, kích động…). Trong khi đó, pháp luật quy định cơ quan chức năng có quyền tạm giữ hành chính nhiều nhất 24 giờ.

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện việc giữ người có biểu hiện nghiện ma túy sẽ căn cứ quy định về xử lý hành chính. Theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng chỉ có thẩm quyền tạm giữ hành chính không quá 12 giờ. Trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn thêm thời gian nhưng cũng không quá 24 giờ. Một số loại ma túy, đặc biệt là methamphetamin (ma túy đá) đã xuất hiện ở nước ta nhưng chưa có hướng dẫn chẩn đoán nghiện. 

Quyết định số 5075/QĐ-BYT và Quyết định số 3556/QĐ-BYT đều đưa ra tiêu chuẩn xác định tình trạng nghiện là đủ cả hai điều kiện, gồm: lâm sàng và xét nghiệm. Về lâm sàng, đối tượng phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng vừa qua và xét nghiệm phải dương tính với chất ma túy. Tuy nhiên, 5 trong 6 triệu chứng nói trên phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cần xác định nghiện. Hầu hết các đối tượng thuộc diện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính không hợp tác, họ không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình. Hơn nữa, để xác định hội chứng nghiện đòi hỏi phải giữ người, không cho họ sử dụng ma túy trong 48 giờ trở lên.

 

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cũng cho rằng nhiều năm qua, Công an TP đã có nhiều kiến nghị đến các ngành chức năng xem xét những vướng mắc trong việc phát hiện và quản lý người nghiện để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách cai nghiện tại cộng đồng nhưng vẫn chưa được cơ quan ban hành chính sách điều chỉnh. 

Ngay sau khi nhận được tin báo, chiều 11-3, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an tỉnh Long An truy bắt, lấy lời khai đối tượng Nguyễn Hoàng Nam. Nam từng lãnh 11 năm tù về tội "Cướp tài sản" và được ân xá vào tháng 7-2018. Sau khi về địa phương, Nam cùng mẹ ruột sống tại một căn nhà ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Trong thời gian này, Nam yêu và có ý định tiến tới hôn nhân với một cô gái 22 tuổi ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhưng bị gia đình người yêu ngăn cản.

Chiều 11-3, sau khi sát hại bà Bùi Thị Nết (SN 1961, người thân của bạn gái) ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, Nam về TP HCM sát hại cha mẹ ruột và bà nội của mình. Sau khi gây án, Nam lang thang khắp nơi cho đến khi bị trinh sát hình sự Công an TP bắt giữ vào khoảng 22 giờ cùng ngày. Khi bị bắt, Nam có biểu hiện tâm lý không bình thường và đến ngày 12-3, Công an TP HCM vẫn chưa thể lấy lời khai của Nam.

Ph.Dũng

Tội ác do "ngáo đá"

* Ngày 25-12-2018, Đỗ Thành Trung (24 tuổi, quê Bắc Giang) bị "ngáo đá", liên tục cầm dao lao ra đường chặn xe. Trung tá Trần Văn Dũng - Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết - đến giải quyết vụ việc thì bị Trung đâm tử vong.

* Tối 20-2-2019, Cảnh sát 113 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khống chế, bắt giữ Huỳnh Thanh Duy (28 tuổi; trú phường Phước Vĩnh, TP Huế) khi đang dùng dao đe dọa bố mẹ ruột. Tại thời điểm bị bắt giữ, Duy có biểu hiện ngáo đá.

* Chiều 25-2-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Mong Văn Hòa (30 tuổi; ngụ xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) để điều tra hành vi giết người. Hòa bị ngáo đá và khống chế 2 cô gái tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

* Rạng sáng 5-3-2019, Võ Văn Giàu (21 tuổi) và Phạm Văn Son (23 tuổi; cùng ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) rủ nhau chơi ma túy đá trong một căn nhà hoang. Giàu lấy dao đâm Son khiến nạn nhân tử vong. Khi bị lực lượng công an khống chế, Giàu đã lấy dao đâm trúng mắt một thiếu úy cảnh sát gây thương tích nặng.

* TAND TP Hà Nội ngày 7-3 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Nguyễn Việt Cường (tức ca sĩ Châu Việt Cường) về tội "Giết người". Sau khi sử dụng ma túy tổng hợp, Cường nhét 33 nhánh tỏi vào miệng nạn nhân, khiến cô gái tử vong.